Tập thể dục giảm suy tim

Đó là kết quả nghiên cứu được trình bày tại Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ 2015. Các chuyên gia tại Đại học Jonh Hopkins (Hoa Kỳ) đã tiến hành nghiên cứu thói quen tập thể dục của khoảng 11.000 người tuổi từ 45-64. Sau 6 năm, các chuyên gia nhận thấy những người tập thể dục nhẹ khoảng 150 phút/tuần hoặc 75 phút hoạt động mạnh/tuần có thể giảm 33% nguy cơ mắc bệnh tim so với những người tập ít hơn. Với người không có hoạt động thể chất có thể có tới 22% nguy cơ suy tim. Khi họ đi bộ khoảng 120 phút/ tuần có thể giảm 12% nguy cơ suy tim.

TS. Roberta Florido - Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, nhiều người dễ nản lòng hoặc không có thói quen tập thể dục thì nên cải thiện. Mỗi phút vận động đều giúp bạn khỏe mạnh hơn.

(Theo Doctorslounge, 11/2015)

Vy Anh

Bạn hoàn toàn có thể làm được! Bỏ thuốc lá trong 5 ngày

Điều đó khiến người hút rất khó bỏ thuốc. Nhưng bạn hoàn toàn có thể bỏ được thuốc lá, nếu có phương pháp đúng và quyết tâm cao.

Trước hết bạn cần chọn ngày bỏ thuốc

Chọn ngày hợp lý rất quan trọng. Ngày mà không có quá nhiều vấn đề phải giải quyết để có thể chỉ tập trung vào việc bỏ thuốc. Ngày có thể có nhiều việc bận rộn nhưng chỉ là việc thông thường, không căng thẳng.

Tốt nhất là ngày thứ 7, có thể dậy muộn hoặc sắp xếp công việc và nghỉ ngơi chủ động theo ý của mình.

5 ngày trước ngày cai thuốc

1. Liệt kê các lý do đi đến quyết định cai thuốc! Nghĩ trong đầu hoặc viết ra giấy.

Thuốc lá có hại cho sức khỏe và tốn tiền, hút thuốc bất tiện,...

Ảnh hưởng người khác, gương xấu cho con cái mắc các tệ nạn khác...

2. Tuyên bố với bạn bè, gia đình và đồng nghiệp rằng bạn đang tiến hành bỏ thuốc.

3. Dừng mua thuốc lá!

4 ngày trước ngày cai thuốc

1. Để ý một cách nghiêm túc khi nào và tại sao bạn lại hút thuốc

Buồn, căng thẳng, thèm thuốc, không có việc gì làm, bạn bè rủ rê...

2. Hãy suy nghĩ xem có cái gì khác thay thế điếu thuốc trong tay bạn.

Tăm xỉa răng sau bữa ăn, hạt dưa, hạt bí, kẹo cao su; hai quả cầu lăn trên tay, bút chì...

3. Hãy nghĩ đến những thói quen sinh hoạt và làm việc thường ngày khác thay thế cho hút thuốc.

3 ngày trước ngày cai thuốc

1. Tìm xem ai mà bạn có thể hỏi và chia sẻ khi bạn cần sự giúp đỡ.

Bác sĩ gia đình.

Bạn bè, nếu là người đã cai thuốc là tốt nhất.

Người yêu, vợ, con, đồng nghiệp...

2. Bạn sẽ làm gì với số tiền tiết kiệm được khi không phải mua thuốc lá.

Thưởng cho mình vật gì đó mang tính kỷ niệm.

Thưởng cho con, cháu vì thành tích

học tập...

Làm các việc có ích khác...

2 ngày trước ngày cai thuốc

1. Xem lại: Khi nào và tại sao bạn hút thuốc và tìm cách khắc phục vượt qua những thử thách đó.

• Sự lôi kéo của các bạn nghiện rủ rê.

• Sức ép của công việc (stress).

• Các triệu chứng của “đói” thuốc (xảy ra trong vòng 1-3 tuần đầu):

Chóng mặt và nhức đầu; tâm trạng ức chế, dễ nổi cáu, tức giận, bồn chồn; khó tập trung tư tưởng.

Thèm thuốc; rối loạn tiêu hóa.

• Tăng cân sau cai nghiện

2. Mua một số thứ thay thế cho thuốc lá như: Hạt dưa, tăm, kẹo cao su, hai quả cầu nhỏ, bút chì...

3. Cách vượt qua cơn thèm thuốc:

• Uống nhiều nước

• Hít thở sâu

• Không ngồi lại bàn ăn lâu, làm việc khác: đánh răng, đi bộ, cắn hạt dưa...

• Nói chuyện với người khác

• Trì hoãn, đếm đến 100 hoặc nhẩm bài thơ bài hát mình thích...

1 ngày trước ngày cai thuốc

1. Bỏ hết diêm, bật lửa, gạt tàn ở nhà và nơi làm việc.

2. Bỏ hết diêm, bật lửa, gạt tàn ở nhà và nơi làm việc.

3. Giặt toàn bộ quần áo để không còn mùi thuốc lá.

4. Buổi tối hút điếu thuốc cuối cùng để chia tay với kẻ thù của mình!

Lên dây cót một lần nữa: “Cai thuốc là chiến lược đúng, mình có thể làm được”

Ngày cai thuốc

1. Sáng: Nhắc lại với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp rằng hôm nay là ngày quan trọng của bạn - ngày bạn cai thuốc lá.

2. Hãy tạo công việc bận rộn nhưng không căng thẳng.

3. Không uống rượu, cà phê hay những thứ bạn hay dùng với thuốc lá.

4. Hãy tự làm cho đầu óc vui sướng hoặc cái gì đó đặc biệt làm phần thưởng cho thành công đầu tiên.

a) Hãy có chế độ ăn đúng và tập luyện để tránh tăng cân quá mức!

b) Nếu bạn không chịu nổi và hút lại thì cũng đừng bỏ cuộc! Hãy chuẩn bị làm lại từ đầu! Trước khi thành công có người đã phải làm đi làm lại một vài lần!

c) Hãy chia sẻ với bạn bè hoặc gọi cho phòng khám cai nghiện thuốc lá để có thêm kinh nghiệm.

Hoàn toàn có thể bỏ được thuốc lá, nếu có phương pháp đúng và quyết tâm cao.

Hoàn toàn có thể bỏ được thuốc lá, nếu có phương pháp đúng và quyết tâm cao.

Duy trì cuộc sống thoải mái không lệ thuộc vào thuốc lá

• Tuần đầu tiên:

Hãy tính mỗi ngày một lần. Mỗi ngày là một thách thức, đã vượt qua ngày thứ nhất tại sao lại không tiếp tục ngày thứ hai.

Hãy sử dụng các kỹ thuật đã biết để vượt qua từng ngày một. Các thách thức sẽ giảm dần khoảng sau một tuần.

Có người phải mất 1 - 3 tháng để có cảm giác bình thường như một người không hút thuốc.

• Tuần thứ 2 - 6:

Bạn vẫn còn phải đấu tranh tư tưởng, luôn luôn tự nhủ là mình đã quyết tâm bỏ thuốc. Hãy nói là không hút hôm nay, ngày mai và từng ngày sau nữa.

• Từ tuần thứ 7 trở đi:

Tuyệt vời! Bạn đã cai được thuốc. Nhưng cai thuốc là một chuyện, còn sống thoải mái không lệ thuộc vào thuốc lá lại là một việc khác. Hãy đừng để cho nghị lực của mình bị mềm yếu đến khi bạn không còn đếm ngày đã không hút thuốc và không còn nghĩ đến thuốc lá nữa!

Những điều nguy hiểm rất cần lưu ý tránh

Hút một điếu sẽ chẳng sao! Nếu hút lại là thất bại dù chỉ là một hơi.

Các buổi tiệc thường có bia rượu, hãy cẩn thận đừng cho phép mình hút thuốc mà hãy cho phép mình được khỏe mạnh.

Lúc căng thẳng: Mọi chuyện rồi cũng phải qua đi, và nếu lại hút thuốc bạn hãy tưởng tượng rằng lại phải bắt đầu cai nghiện từ đầu khi mọi chuyện qua đi.

Nhật Hạ

((Nguồn: Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá Quốc gia))

Cách chăm sóc bé bị chàm sữa

Chàm sữa, hay còn gọi là lác sữa, là một bệnh phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi, theo thống kê có khoảng 20% trẻ sinh ra bị chàm sữa. Ðể điều trị hiệu quả, đòi hỏi người mẹ phải lưu ý chăm sóc đặc biệt cho bé, từ việc ăn uống đến môi trường xung quanh.

Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh chàm sữa là là tình trạng viêm da mạn tính, không lây. Nếu tái diễn nhiều lần, bệnh sẽ trở thành chàm thể tạng nên người ta còn gọi chàm sữa là giai đoạn đầu của chàm thể tạng.

Nguyên nhân gây bệnh chàm sữa vẫn chưa xác định một cách chắc chắn, tuy nhiên bệnh thường gặp ở bé có cơ địa dễ dị ứng. Ngoài ra, cha mẹ có bệnh hen suyễn, mề đay, dị ứng da, dị ứng thời tiết... thì con cũng dễ mắc bệnh. Thông thường bệnh sẽ giảm dần và thoái lui khi trẻ trên 1 tuổi.

Bệnh có liên quan đến sự phối hợp của hai yếu tố: cơ địa dị ứng và chất gây dị ứng. Các chất gây dị ứng có thể được tạo ra từ những thay đổi trong quá trình chuyển hóa bên trong cơ thể hoặc có nguồn từ bên ngoài như mạt, ve, bọ chét, nấm mốc, bụi... thường có trong chăn, gối, nệm, khăn trải giường, thảm. Ngoài ra, lông chó, lông mèo, gián cũng có thể gây dị ứng... Có mối liên quan đến những rối loạn về tiêu hóa, thức ăn (sữa, trứng...), cách cho bú, nhiễm khuẩn... gây ra chứng chàm sữa.

Những yếu tố làm gia tăng bệnh và khiến bệnh nặng thêm: Các dị ứng nguyên (thức ăn, không khí, thú nuôi...). Các chất kích ứng da như: xà bông, bột giặt, thuốc tẩy, vải len, khói thuốc... Khí hậu nóng, lạnh hay khô. Da khô do tắm rửa lâu, nhiều lần. Nhiễm khuẩn, nhiễm virut... Khi đó, trẻ sẽ có các triệu chứng: ngứa, sốt, bệnh tái đi tái lại, và có biến chứng: chàm bị chốc hóa, viêm da mụn mủ dạng thủy đậu.

Nên tắm cho trẻ bằng nước ấm, hạn chế dùng xà phòng hoặc sữa tắm.

Dấu hiệu, triệu chứng nhận biết chàm sữa ở bé

Chàm sữa hay gặp ở trẻ sau khi sinh khoảng 6 tháng tuổi, thường xuất hiện ở mặt, hai bên má, có thể lan ra thân mình, tứ chi... Bệnh khởi đầu là những mẩn đỏ, rồi trở thành mụn nước nhỏ li ti, đỏ, nứt da, rịn nước (một số bé có da rất khô), đóng mày và tróc vảy. Khi chạm vào da bé ta cảm giác thấy thô ráp và có những vảy nhỏ li ti. Da bé rất khô và căng. Những mảng da bị khô và mẩn đỏ xuất hiện thường xuyên ở những vùng da đặc biệt, chủ yếu ở trên mặt trên những vùng da bị gập như: cổ, khuỷu tay, sau đầu gối và mu bàn tay, cổ tay, mắt cá chân. Bé có thể gặp thêm các triệu trứng dị ứng của bệnh hen suyễn hay viêm mũi.

Khi bị bệnh, trẻ sẽ rất khó chịu, ngủ không ngon giấc, quấy khóc, bú kém. Nhiều trẻ bứt rứt gãi liên tục hoặc chà đầu, cọ mặt vào gối cho đỡ ngứa làm mụn nước vỡ ra, da rớm máu, có khi cả một vùng da bị chảy máu. Nếu không giữ vệ sinh tốt, da bé rất dễ bị nhiễm khuẩn (thậm chí bội nhiễm), khiến việc điều trị sẽ khó khăn hơn, đồng thời sẽ để lại sẹo, ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ sau này.

Thông thường, bệnh sẽ thuyên giảm dần (khi trẻ trên 1 tuổi) và có thể tự khỏi. Nếu sau 4 tuổi trẻ vẫn chưa khỏi, bệnh sẽ tiến triển kéo dài, hay tái phát và trở thành chàm thể tạng.

Ðiều trị bệnh

Chàm sữa là một bệnh rất dễ tái phát khi thời tiết thay đổi hoặc ăn, uống những chất gây dị ứng cho cơ thể, do đó trẻ cần được chăm sóc và điều trị cẩn thận. Mục đích điều trị là nhằm bình thường hóa làn da, kéo dài thời gian lành bệnh, hạn chế tái phát, chứ bệnh rất khó điều trị khỏi hẳn. Vì vậy, trẻ đang ở giai đoạn bị chàm sữa (nhất là giai đoạn cấp) cần hạn chế tiếp xúc với các nguồn bệnh, khiến bé dễ bị lây nhiễm. Chăm sóc da bằng các sản phẩm đặc biệt cho phép cải thiện da bé hàng ngày, hạn chế những nguy cơ phải chữa trị phức tạp bằng thuốc. Cách tốt nhất, bạn nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ để sử dụng sản phẩm chăm sóc da hoặc thuốc và cách bôi phù hợp và an toàn cho bé. Tránh tự ý mua thuốc bôi cho trẻ, cũng không nên đắp lá, thuốc theo dân gian vì sẽ làm bệnh nặng thêm. Thực tế, đã có một số bà mẹ tự ý ra nhà thuốc mua thuốc bôi nhiều loại, trong đó có corticosteroid, bôi thuốc lâu ngày gây những tác dụng phụ khiến trẻ bị nhiễm nấm, teo da, mất màu da. Ngoài ra corticosteroid còn có thể khiến chàm lan rộng, nặng thêm và nhiễm trùng, nếu dùng thuốc kéo dài có thể gây suy yếu tuyến thượng thận...

Cách phòng bệnh hiệu quả

Việc chăm sóc phòng bệnh bắt đầu bằng chế độ dinh dưỡng: Nên duy trì sữa mẹ trong thời gian lâu nhất có thể. Chỉ đa dạng các loại thức ăn cho bé từ 6 tháng trở đi. Trì hoãn cho bé ăn các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như trứng và một vài loại cá. Tránh cho bé ăn những thực phẩm dễ gây dị ứng như đồ biển, thực phẩm lên men, trứng, đậu phộng,...

Các phương pháp vệ sinh cơ thể, môi trường sống cũng cần lưu ý, không nên cho trẻ tắm lâu trong nước xà phòng hay sữa tắm mà nên tắm bằng nước ấm để giúp đỡ ngứa, tránh vòng luẩn quẩn ngứa - gãi - ngứa rất dễ gây nhiễm khuẩn da. Nếu tắm xà phòng cho trẻ, tuyệt đối không dùng xà bông giặt đồ hoặc xà phòng có tính chất tẩy rửa, chỉ dùng các loại sữa tắm dành cho trẻ nhỏ. Tránh mặc các loại quần áo bằng chất liệu len, sợi tổng hợp gây bí tắc da bé. Nên cho trẻ mặc những loại quần áo mềm, làm bằng chất liệu bông để tránh làm tổn thương da. Giữ cho da bé luôn khô, tránh để cơ thể bé đổ mồ hôi ẩm ướt, thay tã lót cho bé thường xuyên. Giữ môi trường xung quanh không thay đổi nhiệt độ quá nhanh. Nơi ở của bé cần thoáng mát, đủ độ ẩm cần thiết. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, đặc biệt là đệm, chăn, gối, giường của bé. Tránh cho trẻ tiếp xúc với chó, mèo tốt nhất là không nên nuôi các loại vật nuôi này khi trẻ đang ở giai đoạn dễ mắc bệnh.

BS. THU DUNG

Aspirin có thể giảm nguy cơ ung thư gan ở bệnh nhân viêm gan B

Vi-rút viêm gan B tấn công vào gan và có thể gây ra xơ gan và ung thư gan. Nghiên cứu trước đây cho thấy điều trị aspirin liều thấp hàng ngày có thể ngăn ngừa ung thư, nhưng có rất ít bằng chứng lâm sàng về việc sử dụng aspirin thường xuyên có thể ngăn ngừa ung thư gan ở những người bị viêm gan b.

Các nhà nghiên cứu từ Đài Loan đã phân tích dữ liệu từ gần 205.000 bệnh nhân bị viêm gan loại B mạn tính. Họ phát hiện ra rằng qua 5 năm những người dùng aspirin hàng ngày ít bị ung thư gan hơn so với những người không dùng aspirin.

Aspirin có thể giảm nguy cơ ung thư gan ở bệnh nhân viêm gan B

Tuy nhiên, điều quan trọng cần chú ý là nghiên cứu này chỉ tìm thấy mối liên quan nhưng không hình thành mối quan hệ nhân quả.

Theo Hội nghiên cứu về bệnh gan Mỹ, có khoảng 240 triệu người trên toàn thế giới bị bệnh viêm gan loại B mạn tính.

Bác sĩ Teng-Yu Lee, ở Bệnh viện Đa khoa Cựu binh, Đài Trung cho biết mặc dù các loại thuốc kháng virut có thể làm giảm đáng kể nguy cơ ung thư gan ở những người bị viêm gan B nhưng chúng không loại bỏ bệnh và không thích hợp với tất cả mọi.

Kết quả nghiên cứu được trình bày tại Hội thảo của Hội nghiên cứu bệnh về gan Mỹ ở Washington. Nghiên cứu được trình bày tại các hội thảo y tế thường được xem là sơ bộ cho đến khi được công bố trong một tạp chí có bình duyệt.

BS Thu Vân

(Theo Upi)

Bệnh thận ở người đái tháo đường

Theo thông báo mới nhất của Liên đoàn đái tháo đường thế giới (IDF), năm 2015 toàn thế giới có 415 triệu người bị bệnh đái tháo đường (ĐTĐ). Một nửa số người mắc ĐTĐ chưa được chẩn đoán, rất nhiều bệnh nhân ĐTĐ type 2 bị bệnh trong thời gian dài mà không biết nên đã dẫn đến nhưng biến chứng nghiêm trọng, trong đó biến chứng thận được coi là nguy hiểm và tốn kém nhất. Đây là nguyên nhân phổ biến gây suy thận giai đoạn cuối cần phải lọc máu chu kỳ.

Tại sao bệnh ĐTĐ lại hay gây tổn thương thận?

Tỉ lệ và mức độ nặng của biến chứng thận liên quan tới thời gian bị bệnh và mức độ kiểm soát đường huyết. Theo các thống kê, có khoảng 20 – 40% các bệnh nhân ĐTĐ sẽ bị biến chứng thận, trong đó có nhiều bệnh nhân ĐTĐ týp 2 đã có protein niệu ngay khi được phát hiện ĐTĐ, còn với bệnh nhân ĐTĐ týp 1 thì sau 10 năm bị bệnh có khoảng 50% số bệnh nhân đã có suy thận giai đoạn cuối và sau 20 năm thì con số này đã lên tới 75%. Tại các khoa thận, khoảng 40% số bệnh nhân đang phải chạy thận nhân tạo là do biến chứng thận của ĐTĐ.

Hàng ngày, khi ăn các thức ăn có nhiều chất đạm (protein), sau một quá trình chuyển hóa sẽ có nhiều chất thải độc hại được tạo thành. Thận chứa hàng triệu mạch máu nhỏ mà thành của các mạch máu này có những lỗ rất nhỏ giống như những cái túi lọc. Khi máu chảy qua các mạch máu, những chất độc hại có kích thước rất nhỏ sẽ chui qua những lỗ này đi ra nước tiểu rồi được tống ra ngoài. Ngược lại, những chất hữu ích trong cơ thể như protein, tế bào hồng cầu có kích thước lớn nên không thể lọt qua những lỗ này nên vẫn được giữ lại trong máu.

đái tháo đườngNên thường xuyên kiểm tra chỉ số đường huyết để tránh biến chứng ở thận.

Ở bệnh nhân ĐTĐ, do đường huyết tăng cao dẫn đến lượng máu đến thận quá lớn, thận phải làm việc (lọc) quá mức. Sau thời gian dài phải làm việc trong tình trạng quá mức hệ thống lọc bắt đầu bị phá hủy, các lỗ lọc trở nên to hơn dẫn đến nhiều protein bị lọt ra ngoài. Lúc đầu protein xuất hiện trong nước tiểu một lượng rất nhỏ, nếu bệnh nhân được phát hiện và điều trị ở giai đoạn này thì rất có hiệu quả, chức năng thận sẽ không bị giảm. Nếu để muộn thì các tổn thương thận sẽ ngày càng nặng hơn, hậu quả là có nhiều protein niệu lọt ra nước tiểu, chức năng thận suy giảm dần. Cuối cùng thận bị mất hoàn toàn chức năng gọi là suy thận giai đoạn cuối, điều này đồng nghĩa với việc nồng độ các chất thải độc hại trong cơ thể như ure, creatinin tăng lên rất cao, đe dọa tính mạng người bệnh ĐTĐ, đòi hỏi phải được điều trị bằng lọc máu thường xuyên để đẩy bớt chất độc ra ngoài.

Ngoài kiểm soát đường không tốt thì bệnh nhân có tăng huyết áp, bị ĐTĐ lâu năm, ĐTĐ týp 1, hút thuốc lá, có bệnh thận khác đi kèm như sỏi thận, nhiễm khuẩn tiết niệu... là những yếu tố nguy cơ làm tăng bị biến chứng thận ở bệnh nhân ĐTĐ.

Dấu hiệu của biến chứng thận

Trong giai đoạn đầu, thận vẫn còn khả năng tăng cường hoạt động để bù trừ cho các mao mạch bị tổn thương. Vì vậy chức năng thận vẫn bình thường, bệnh nhân không có biểu hiện bất thường nào. Tuy nhiên khi số mao mạch bị tổn thương tăng lên, thận dù hoạt động mạnh hơn nhưng vẫn không bù trừ được và các triệu chứng của suy thận sẽ xuất hiện. Các triệu chứng của suy thận giai đoạn đầu thường không đặc hiệu, ví dụ phù, mất ngủ, đau đầu, chán ăn, mệt mỏi và giảm trí nhớ, tăng huyết áp. Tăng huyết áp có thể là một triệu chứng của suy thận nhưng cũng có thể tăng huyết áp đã có từ trước (thường ở bệnh nhân ĐTĐ týp 2) và nó thúc đẩy biến chứng thận do ĐTĐ nặng thêm. Khi bệnh nhân bị tổn thương cấu trúc thận nặng gây mất quá nhiều protein ra nước tiểu, lượng protein trong máu quá thấp không thể giữ dịch ở lại trong lòng mạch máu, dẫn tới dịch bị thoát ra ngoài làm bệnh nhân bị phù rất to toàn thân, có cổ chướng và có thể tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tim... gọi là hội chứng thận hư. Bệnh nhân bị hội chứng thận hư này cũng dễ tiến triển đến suy thận nặng.

Biện pháp ngăn ngừa và điều trị

Biến chứng thận hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng cách kiểm soát tốt đường huyết và các yếu tố nguy cơ. Các bệnh nhân ĐTĐ có biến chứng suy thận hoặc hội chứng thận hư cần được nhập viện để đánh giá và có kế hoạch điều trị tích cực cũng như được tư vấn về chế độ ăn, sinh hoạt, khả năng cần chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.

Kiểm soát tốt đường huyết bằng kết hợp các biện pháp như chế độ ăn, tập luyện và dùng thuốc. Nhiều nghiên cứu, theo dõi lâu dài thấy hiệu quả của điều trị kiểm soát tốt đường huyết hạn chế biến chứng thận có thể kéo dài nhiều năm sau khi mắc ĐTĐ.

Tuy nhiên, khi thận suy sẽ giảm khả năng thanh thải thuốc, các thuốc có xu hướng tích lũy lại trong máu nên các bệnh nhân dễ bị hạ đường huyết nếu không được điều chỉnh liều thuốc. Kiểm soát tốt huyết áp cũng có giá trị rất lớn vì tăng huyết áp ảnh hưởng xấu đến chức năng thận. Mục tiêu huyết áp ở người bệnh ĐTĐ thông thường theo khuyến cáo của Hội ĐTĐ Mỹ và Liên đoàn ĐTĐ quốc tế phải là < 130/80 mmmHg, còn với những bệnh nhân đã có protein niệu đại thể hoặc đã có suy thận thì huyết áp nên đưa xuống mức 120/70 mmHg.

Các cách đơn giản để hạ huyết áp phải thực hiện đồng thời là giảm cân (nếu thừa cân), ăn nhạt, bỏ rượu và thuốc lá, tập thể dục đều đặn. Nếu các biện pháp này không có hiệu quả thì cần dùng các thuốc hạ huyết áp sớm. Có nhiều loại thuốc hạ huyết áp nhưng không phải tất cả đều tốt cho các bệnh nhân ĐTĐ. Một số nhóm thuốc ngoài khả năng làm hạ huyết áp còn có tác dụng lên hệ thống mạch thận, có tác dụng bảo vệ thận và làm chậm tiến triển biến chứng thận của bệnh nhân ĐTĐ như thuốc nhóm ức chế men chuyển hoặc nhóm đối kháng thụ thể angiotensin II. Các thuốc này được khuyến cáo là thuốc điều trị đầu tay cho các bệnh nhân ĐTĐ có tăng huyết áp hoặc có biến chứng thận. Thông thường các bệnh nhân phải cần tới 2-4 loại thuốc mới có thể kiểm soát được huyết áp đạt mục tiêu. Điều cần lưu ý là những phương pháp điều trị can thiệp như kiểm soát đường huyết và huyết áp thực hiện càng sớm thì hiệu quả càng lớn, tốt nhất là ngay khi bệnh nhân được phát hiện ĐTĐ.

Với bệnh nhân đã có protein niệu đại thể nên thực hiện chế độ ăn giảm chất đạm vừa phải (0,6 – 0,8g protein/kg thể trọng/ngày) với mục đích để thận ít phải làm việc hơn và ít mất protein qua thận hơn. Tuy nhiên với mỗi bệnh nhân cần phải có tư vấn của bác sĩ dinh dưỡng.

Khi bệnh nhân đã có suy thận giai đoạn cuối, thận mất gần như hoàn toàn chức năng thì điều trị thay thế thận suy bằng phương pháp lọc máu chu kỳ (2 – 4 lần mỗi tuần) là cần thiết để duy trì cuộc sống cho bệnh nhân. Có hai cách lọc máu là chạy thận nhân tạo và thẩm phân phúc mạc đều tuân theo nguyên lý là sử dụng một cái máy hoặc màng bụng đóng vai trò như quả thận để lọc máu, loại trừ các chất độc ra khỏi cơ thể. Một phương pháp điều trị thay thế khác rất hiệu quả là ghép thận, nhưng chưa được phổ biến bởi chi phí quá cao và kỹ thuật thực hiện phức tạp.

PGS. TS. Đỗ Trung Quân

Cảnh giác với biến chứng do viêm amidan

(suckhoedoisong.vn) - Viêm amidan hay còn gọi là viêm amidan khẩu cái là bệnh lý thường gặp ở cả người lớn và trẻ em, nhưng bệnh chiếm một tỷ lệ cao ở trẻ. Bệnh tiến triển thành từng đợt, có thể tự khỏi, có thể đưa đến biến chứng tại chỗ hoặc toàn thân, có khi rất nguy hiểm như thấp tim.

Biểu hiện khi viêm amidan

Viêm amidan cấp: Là tình trạng viêm sung huyết hoặc làm mủ của amidan khẩu cái. Đa số do virut (70%), hay gặp ở trẻ em và lứa tuổi thiếu niên, chiếm 10-15% nhiễm khuẩn hô hấp trên. Bệnh biểu hiện với các dấu hiệu như sốt cao, hơi thở hôi, đau mỏi mình mẩy, cảm giác đau nhói tại chỗ tương ứng hai bên góc hàm, đau lan lên tai, đau tăng khi nuốt, ho từng cơn do kích thích và xuất tiết, ở trẻ em thường khò khè, ngủ ngáy. Các nguyên nhân gây viêm amidan cấp gồm có:

Viêm amidan do virut: Toàn bộ niêm mạc họng đỏ, 2 amidan sưng to, đỏ, bề mặt phủ một lớp tiết nhầy, không có giả mạc, không có chấm mủ; thành sau họng các tổ chức lympho viêm đỏ.

Cảnh giác với biến chứng do viêm amidan 1Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Viêm amidan do vi khuẩn: Niêm mạc đỏ rực, 2 amidan to, trên bề mặt có chấm mủ, có thể có giả mạc mềm, dễ bóc, không chảy máu. Phản ứng hạch góc hàm, hạch to, đau. Đôi khi có thể kèm theo ngạt mũi và khàn tiếng do viêm nhiễm đường hô hấp trên phối hợp.

Viêm amidan cấp do liên cầu bêta tan huyết nhóm A: Bệnh thường gặp ở trẻ em tuổi học đường 7-14 tuổi. Chữa khỏi dễ dàng nhưng cũng có khi gây biến chứng nguy hiểm như: viêm cầu thận cấp, viêm khớp, thấp tim gây tổn thương van tim: Hẹp van 2 lá: bệnh tự miễn, xuất hiện sau viêm họng 10-30 ngày. Bệnh thường biểu hiện với các dấu hiệu như: trẻ sốt, mệt mỏi, đau họng, đau đầu, hạch góc hàm sưng to, đau. Xét nghiệm có liên cầu beta tan huyết nhóm A.

Viêm amidan mạn tính: Là tình trạng viêm quá phát hoặc xơ teo amidan khẩu cái sau nhiều đợt viêm bán cấp. Người bệnh thường có cảm giác vướng họng, đôi khi đau nhói trong họng, thỉnh thoảng ho khan, khàn tiếng, hơi thở hôi. Đối với thể viêm amidan quá phát, bệnh nhân ngủ ngáy thường xuyên hoặc tăng lên trong đợt viêm amidan, một số trường hợp còn phát hiện cơn ngừng thở khi ngủ thể bệnh này hay gặp ở trẻ em. Khi thăm khám thấy 2 amidan to chạm nhau, trên bề mặt có nhiều khe, hốc có thể đọng lại ít mủ nhầy hoặc chất bã đậu. Với thể xơ teo thấy 2 amidan nhỏ nằm trong hốc amidan, bề mặt xơ, có nhiều hốc chứa chất bã đậu, hai trụ amidan viêm dày đỏ, sẫm màu.

Viêm amidan có nguy hiểm không?

Viêm amidan là bệnh lý thường gặp, có thể tự khỏi nhưng có trường hợp gây biến chứng tại chỗ, kế cận hoặc toàn thân.

Biến chứng tại chỗ: Viêm tấy và áp-xe quanh amidan: Thường xảy ra với viêm amidan cấp không được điều trị, nhiễm khuẩn lan dần và thành mủ giữa amidan và bao amidan, bệnh nhân thường đau tăng, đau lan lên tai, nuốt đau, không nuốt được, nước bọt chảy ra, miệng há khó khăn. Điều trị bằng kháng sinh đường tiêm và dẫn lưu áp-xe.

Biến chứng kế cận: Viêm tai giữa, viêm mũi xoang, viêm thanh quản, viêm phế quản…

Biến chứng toàn thân: Nhiễm khuẩn huyết, viêm cầu thận cấp, thấp khớp cấp, thấp tim hay gặp do liên cầu tan huyết nhóm A.

Cảnh giác với biến chứng do viêm amidan 2Viêm amindan cấp do liên cầu có thể gây biến chứng nguy hiểm.

Điều trị tùy nguyên nhân

Viêm amidan do virut: Chủ yếu điều trị triệu chứng: nằm nghỉ ngơi, ăn nhẹ, uống đủ nước; dùng thuốc hạ sốt, giảm đau; vệ sinh mũi họng bằng dung dịch sát khuẩn hoặc nước muối sinh lý; kiêng rượu, bia, chất kích thích.

Viêm amidan do vi khuẩn: Dùng kháng sinh đường toàn thân: tùy mức độ có thể dùng thuốc đường uống hoặc đường tiêm; điều trị triệu chứng giống như viêm amidan do virut.

Khi nào cần cắt amidan?

Amidan được chỉ định cắt trong các trường hợp sau: viêm amidan quá phát gây tắc nghẽn đường hô hấp, ngừng thở khi ngủ; viêm amidan tái phát nhiều lần (7 lần/năm; 5 lần/năm trong 2 năm; 3 lần/năm trong 3 năm); viêm amidan mạn tính, gây thở hôi kéo dài; amidan to một bên, nghi ngờ ác tính ; viêm amidan gây biến chứng: áp-xe, viêm tấy quanh amidan, viêm mũi xoang, viêm thanh quản, viêm tai giữa, viêm cầu thận, viêm khớp, viêm màng tim.

Lưu ý: Không được cắt amidan khi: amidan đang viêm cấp hoặc có biến chứng tại chỗ; bệnh nhân đang có bệnh toàn thân, bệnh mạn tính chưa điều trị ổn định; bệnh nhân đang trong vùng dịch; phụ nữ trong thời kỳ mang thai, kinh nguyệt.

ThS. Lê Anh Tuấn


Ðiều trị giảm thính lực thế nào?

Phạm Văn Hồng (phamhong@gmail.com)

Cùng với tuổi tác ngày càng cao thì các cơ quan trong cơ thể sẽ bị lão hóa. Đặc biệt, dễ nhận thấy là cơ quan thính giác (sức nghe) và cơ quan thị giác (sức nhìn là dễ nhận ra nhất). Tuy nhiên, giảm sức nghe còn gặp ở những người làm việc trong môi trường tiếng ồn lớn và liên tục, những người thường xuyên đeo tai nghe... Bệnh giảm thính lực cho dù do nguyên nhân nào đi chăng nữa cũng cần đi khám, chữa trị kịp thời. Bác sĩ có thể kê đơn dùng thuốc hoặc dùng phương pháp như tai nghe, cấy ghép ốc tai để giúp người điếc có thể thông tin được một cách bình thường. Những người mắc bệnh điếc do môi trường, do tuổi già thường dùng máy trợ thính điện tử hoặc dạng số sẽ có tác dụng tốt. Riêng thiết bị nghe dạng số có thể giúp người nghe được những âm thanh rất nhỏ còn phương pháp cấy ghép ốc tai lại có nhiệm vụ đưa tín hiệu âm thanh trực tiếp qua dây thần kinh âm thanh lên đại não. Nhóm người mắc bệnh xơ cứng tai, bệnh về dây thần kinh âm thanh có thể áp dụng phương pháp phẫu thuật, riêng nhóm mắc bệnh Meniere thì không có phương pháp chữa trị nào cả, chỉ có thể cải thiện bệnh tình bằng cách ăn uống khoa học, hạn chế ăn muối, đồ uống có chứa nhiều caffein hoặc rượu bia, bỏ thuốc lá và dùng thuốc để chống chảy dịch trong tai. Trường hợp bố bạn cần khám ở chuyên khoa tai để tìm nguyên nhân từ đó bác sĩ sẽ tư vấn cách trợ thính phù hợp.

BS. Hoàng Văn Thái