Giữ gìn để thể thủy tinh không bị đục

Thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương năm 2004 cho thấy, đục thủy tinh thể là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở nước ta trong hơn 30 năm qua, chiếm 71,3% tổng số người mù. Tuy nhiên đây là bệnh có thể phòng ngừa và điều trị được.

Thủy tinh thể là một thấu kính trong suốt nằm ở phía bên trong mắt, 2 mặt lồi, trong suốt, trung bình ở người trưởng thành dày 4mm và rộng 9mm. Thủy tinh thể có chức năng như một thấu kính hội tụ, điều tiết để tập trung các tia sáng đi vào võng mạc tạo hình ảnh sắc nét rõ ràng, như thấu kính của máy ảnh tập trung hình ảnh vào phim.

Các yếu tố nguy cơ

Đục thủy tinh thể là bệnh thường gặp ở người trên 50 tuổi. Bệnh diễn tiến từ từ, biểu hiện ban đầu là giảm độ kính lão do xuất hiện cận thị chiết xuất; khi ra ánh sáng, mắt sẽ khó chịu nhưng không bị đau nhức. Sau đó, bệnh nặng hơn, mắt như nhìn qua một lớp kính mờ, thấy một điểm đen cố định trên nền mắt sáng; dần dần bệnh nhân không còn nhìn thấy gì.

Giữ gìn để thể thủy tinh không bị đụcCác loại đục thủy tinh thể.

Ở người trẻ tuổi, bệnh đục thủy tinh thể có thể đã hiện diện do bẩm sinh hoặc do chấn thương hoặc đục thủy tinh thể thứ phát sau bệnh viêm màng bồ đào, glôcôm. Các yếu tố nguy cơ phát triển bệnh như tiếp xúc dưới tia cực tím kéo dài, hút thuốc lá, sử dụng các loại thuốc steroid trong thời gian dài và mắc bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, lịch sử gia đình đục thủy tinh thể.

Dấu hiệu nhận biết sớm

Thị lực giảm: Thị lực giảm tỉ lệ thuận với mức độ đục thể thủy tinh. Trẻ nhỏ thường quờ quạng, nếu lớn hơn có thể đo thị lực để xác định mức độ mờ mắt.

Lóa mắt: Đục thể thủy tinh bắt đầu thường gây lóa mắt với ánh sáng, nhìn mờ hơn nơi râm mát và ban đêm, gây khó chịu cho người bệnh. Sự khó chịu này đặc biệt xảy ra ở hình thái đục thể thủy tinh dưới bao sau.

Giả cận thị: Mắt bị đục thể thuỷ tinh ban đầu có xu hướng cận thị hoá, do vậy khả năng nhìn gần của mắt tốt lên.

Lác mắt: Một số trường hợp do đục thể thuỷ tinh, mắt đó bị nhược thị và lác.

Thường xuyên thay đổi kính đeo mắt: Do thủy tinh thể đục làm thay đổi chiết xuất.

Nhìn đôi, nhìn thấy nhiều vật cùng một lúc, nhìn như qua sương mù... tất cả những khó chịu đó được giải thích là do thể thuỷ tinh bị đục đã làm tán xạ các tia sáng đi qua nó.

Phòng ngừa bệnh đục thủy tinh thể, cách nào?

Bệnh đục thủy tinh thể được điều trị bằng phẫu thuật cho kết quả tốt nhưng không phải lúc nào cũng đảm bảo kết quả và đủ điều kiện để mổ. Điều quan trọng là phải biết phòng ngừa đục thủy tinh thể từ những nguyên nhân gây bệnh đã xác định được.

Khám mắt thường xuyên. Khám mắt thường xuyên có thể giúp phát hiện đục thủy tinh thể và các vấn đề về mắt khác ở các giai đoạn sớm nhất.

Điều trị và kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường. Thực hiện đúng chế độ ăn kiêng nếu bị đái tháo đường, kiểm soát tốt đường huyết. Điều trị sớm các bệnh tại mắt như glôcôm, viêm màng bồ đào.

Chế độ ăn uống lành mạnh. Chế độ ăn giàu chất chống ôxy hóa và chức năng gan tốt sẽ có tác dụng giúp phòng ngừa bệnh. Người bị đục thủy tinh thể có khuynh hướng thiếu vitamin C, đồng, mangan, kẽm. Beta-carotene giúp “dọn dẹp” tốt các gốc tự do - một tác nhân gây tổn hại mắt, bảo vệ mắt không bị những tổn thương liên quan đến ánh sáng. Còn taurin là một acid amin chính trong thủy tinh thể, có khả năng làm chậm sự khởi phát của bệnh. Không ăn tảo, thực vật biển, sò ốc, sản phẩm từ sữa ít béo, chocolate, vì đây là những nguồn chứa vanadium vốn độc hại cho mắt.

Hạn chế các yếu tố nguy cơ khác: Ánh sáng tia cực tím từ mặt trời có thể góp phần vào sự phát triển của đục thủy tinh thể. Đeo kính râm chặn tia cực tím khi đang ở ngoài trời. Không hút thuốc lá, hạn chế bia rượu.

BS. Hoàng Minh

Đau nửa đầu nhưng lại… nhổ răng

Đau dây thần kinh số V biểu hiện là những cơn đau đột ngột và dữ dội ở vùng mặt. Bệnh ít nguy hiểm nhưng rất dễ chẩn đoán nhầm với các vấn đề răng miệng, nhiều người bị nhổ nhầm cả hàm răng mà cơn đau vẫn không chấm dứt.

Mới đây, phòng khám Đau mạn tính Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM vừa tiếp nhận trường hợp người bệnh nữ Mai Thị H. (41 tuổi, Quận 10) bị đau như điện giật vùng nửa mặt phải, tập trung nhiều ở hàm trên, ăn uống kém và ảnh hưởng đến giấc ngủ. Chị H chia sẻ về bệnh tình: “Cách đây 2 tuần, cơn đau đột ngột xuất hiện dữ dội ở hàm trên, nhức nhối lên tận não. Tôi cứ nghĩ đây là vấn đề về răng miệng nên đến phòng khám nha khoa gần nhà để điều trị. Lúc đầu, tôi yêu cầu bác sĩ nhổ 2 răng hàm trong cùng bên phải nhưng không đỡ. Sau đó, do không thể chịu nổi cơn đau hành hạ, tôi quyết định nhổ các răng hàm tiếp theo, tuy nhiên cơn đau không hề thuyên giảm. Vì vậy, tôi quyết định đến khám và điều trị tại BV. ĐHYD”.

Đau nửa đầu nhưng lại… nhổ răngẢnh minh họa

Theo ThS.BS. Lê Viết Thắng - Khoa Ngoại Thần kinh (BV. ĐH Y Dược TP.HCM), bác sĩ trực tiếp điều trị cho người bệnh, sau khi thăm khám, người bệnh được chẩn đoán đau nửa mặt kịch phát. Bước đầu, người bệnh được điều trị bằng thuốc đặc trị để giảm đau. Nhưng một thời gian sau uống thuốc không đáp ứng, người bệnh nói chuyện vẫn đau, không ăn được, chỉ hút sữa bằng ống hút. Sau hội chẩn đánh giá toàn diện tình trạng của người bệnh, êkíp bác sĩ khoa Ngoại thần kinh đã can thiệp phẫu thuật, giải phóng chèn ép dây thần kinh số V. Ba ngày sau mổ, người bệnh hết đau hoàn toàn, có thể ăn uống bình thường.

Đau nửa đầu gây đau đầu nghiêm trọng thường đi kèm với độ nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh, hoặc mùi. Các triệu chứng thông thường bao gồm: đau mắt, tăng nhạy sáng hoặc âm thanh, buồn nôn và nôn.

TS.BS. Nguyễn Minh Anh - Trưởng khoa Ngoại Thần kinh cho biết đặc điểm của đau dây thần kinh số V là cơn đau khởi phát đột ngột, thường gặp nhất là dạng giống điện giật, thỉnh thoảng như bị nghiền và xé, nhưng ít khi gặp dạng nóng bỏng. Cơn đau kèm theo co giật cơ mặt, vã mồ hôi, tăng tiết nước bọt, nước mũi. Cơn đau thường ngắn, kéo dài vài giây, nhưng có thể các cơn đau xuất hiện liên tiếp với nhau làm cho cơn đau kéo dài trong một đến hai phút. Tần suất của cơn đau quyết định độ nặng của bệnh. Cơn đau thường được khởi phát do những kích thích về cảm giác như sờ, chạm vào mặt, khi đánh răng, nhai thức ăn, thậm chí khi gió thổi vào mặt …

Nguyên nhân chính xác của chứng đau nửa đầu là không được biết và có liên quan đến dẫn truyền thần kinh, nhưng chứng bệnh này có thể bị kích hoạt bởi nhiều yếu tố, ví dụ: thay đổi nội tiết, stress, bị kích thích mạnh như: tiếng ồn lớn, một số loại thức ăn (rượu vang đỏ, pho mát, chất bảo quản dùng trong thịt hun khói - nitrat, sô cô la, một số sản phẩm sữa…).

Chính vì vậy, theo các chuyên gia thần kinh, thay đổi lối sống như thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục đều đặn có thể giúp làm giảm tần suất các đợt tấn công của chứng đau đầu. Một số nghiên cứu cho thấy rằng các bài tập thể dục, ví dụ Yoga, thúc đẩy sự thư giãn cơ rất hữu ích trong việc kiểm soát cơn đau dữ dội. Hầu hết những người bị chứng đau nửa đầu thường có thể được điều trị bằng cách kết hợp thuốc và thay đổi lối sống.

Đọc thêm các bài khác về Đau nửa đầu

An Quý

Lựa chọn lối sống lành mạnh để kéo dài tuổi thọ

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học tại Đại học Edinburgh ở Scotland đã phân tích thông tin di truyền từ hơn 600.000 người ở Bắc Mỹ, châu u và Úc để xác định xem gen ảnh hưởng thế nào tới tuổi thọ. Nhóm nghiên cứu giải thích, ví dụ, một số gen có liên quan với tăng nguy cơ uống rượu và nghiện rượu.

Lựa chọn lối sống lành mạnh để kéo dài tuổi thọ

Hút thuốc lá và những đặc tính có liên quan với ung thư phổi gây ảnh hưởng lớn nhất tới tuổi thọ. Các nhà nghiên cứu cho biết, hút 1 bao thuốc lá mỗi ngày làm giảm trung bình 7 năm tuổi thọ.Tuy nhiên, tin tốt là những người từ bỏ được thói quen xấu này sống lâu như những người không bao giờ hút thuốc.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, lượng mỡ cơ thể và các yếu tố khác liên quan với tiểu đường cũng làm giảm tuổi thọ. Những người sẵn sàng cho những trải nghiệm mới và không ngừng học tập cũng có xu hướng sống thọ hơn.

Nhóm nghiên cứu cho biết, những khác biệt ở gen ảnh hưởng tới nồng độ cholesterol làm giảm khoảng 8 tháng tuổi thọ và những khác biệt về gen liên quan đến hệ miễn dịch có thể giúp kéo dài thêm 6 tháng tuổi thọ.

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature Communications.

BS P.Liên

(Theo UPI)

Béo phì liên quan với 13 dạng ung thư

13 dạng ung thư có liên quan tới béo phì bao gồm: u não, u đa tủy, ung thư thực quản, ung thư vú sau mãn kinh, ung thư tuyến giáp, túi mật, dạ dày, gan, tụy, thận, buồng trứng, tử cung và đại tràng.

Phát biểu tại hội nghị, bác sĩ Lisa Richardson giám đốc Đơn vị phòng ngừa và kiểm soát ung thư của CDC cho biết, bằng chứng cho thấy giảm cân có thể giúp giảm nguy cơ một số dạng ung thư.

Béo phì liên quan với 13 dạng ung thư

Theo báo cáo mới của CDC và Viện nghiên cứu ung thư quốc gia Mỹ, 13 dạng ung thư có liên quan với béo phì chiếm khoảng 40% trong số các trường hợp ung thư được chẩn đoán ở Mỹ năm 2014.

Trong số 630.000 người Mỹ có chẩn đoán ung thư liên quan với thừa cân hoặc béo phì trong năm 2014, khoảng 2/3 xảy ra ở những người độ tuổi từ 50-74. Ngoại trừ ung thư đại tràng, tỉ lệ ung thư liên quan đến béo phì tăng 7% trong khoảng từ năm 2005 đến 2014. Trong cùng thời gian đó, tỉ lệ ung thư không liên quan với béo phì giảm.

BS P.Liên

(Theo healthday)

Ứng dụng định vị không gian ba chiều trong điều trị cột sống và thay đốt sống nhân tạo

Bệnh nhân Lại Thị Hồng Hạnh (42 tuổi, Thái Bình) vào Khoa CTCH trong tình trạng suy kiệt, chỉ nặng 30-35kg, không thể tự đi lại, đau lưng nhiều, tê yếu 2 chân, được phát hiện tổn thương thân đốt sống 11,12 cột sống ngực. Bệnh nhân được chẩn đoán lao cột sống và chỉ định phẫu thuật để cố định cột sống đoạn bị tổn thương, giải phóng chèn ép thần kinh. Gần 1 tháng sau phẫu thuật, kết hợp điều trị thuốc lao, bệnh nhân hiện đã tiến triển rất nhiều, có thể tự ngồi dậy và đi lại. Tuy nhiên, phần tổn thương đốt sống do lao vẫn còn, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh.

Phẫu thuật cột sống thường liên quan đến tủy sống, rễ thần kinh, mạch máu và cấu trúc xương dây chằng xung quanh, chỉ sai số rất nhỏ chừng 1mm thôi đã có thể gây tổn thương thần kinh, mạch máu và để lại di chứng rất nặng nề. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ vừa phải đảm bảo sự an toàn, tránh làm tổn thương thêm cho tủy sống, rễ thần kinh, mạch máu gây liệt, mất máu… vừa phải xử lý được tổn thương (thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống, dị dạng, u đốt sống, chấn thương…) đồng thời tái tạo lại cấu trúc sinh lý của cột sống bằng việc sử dụng vật liệu thay thế như nẹp vít, ốc, đĩa đệm nhân tạo, nẹp silicon…

Ứng dụng định vị không gian ba chiều trong điều trị cột sống và thay đốt sống nhân tạoẢnh minh họa

Kết quả hồi phục lâm sàng phụ thuộc vào rất nhiều các yếu tố, trong đó không thể thiếu sự cân bằng cơ sinh học của hệ thống vật liệu thay thế. Hệ thống định vị không gian 3 chiều chính xác O-ARM được đưa về ứng dụng tại BV Bạch Mai từ cuối năm 2016. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên BV kết hợp hệ thống này với thân đốt sống nhân tạo T2 Altitude sẽ mang lại kết quả tối ưu cho phẫu thuật viên và người bệnh.

Hệ thống chụp O-ARM ra đời dựa trên công nghệ tấm cảm biến Xquang phẳng, trạng thái rắn. O-ARM cung cấp hình ảnh không gian 3D với độ phân giải cao, toàn diện hơn, chính xác hơn và tăng cường độ chính xác và an toàn cho các bác sĩ phẫu thuật. Với cánh tay linh động có thể mở ra và tự động đồng bộ hóa với hệ thống định vị trong phẫu thuật (navigation), O-ARM đã thay đổi mô hình cho phẫu thuật cột sống. Công nghệ này đã được chứng minh với các ưu thế: Tăng độ chính xác của vị trí bắt vít cột sống, làm giảm tỉ lệ phẫu thuật lại do bắt sai vị trí; Giúp cho bác sĩ phẫu thuật áp dụng các kỹ thuật ít xâm lấn làm giảm tổn thương mô, giảm sử dụng của thuốc và đau hậu phẫu, rút ngắn thời gian phục hồi của bệnh nhân…

Thân đốt sống nhân tạo có thể mở rộng T2 Altitude với tính năng căng giãn tại chỗ, kết cấu chặt chẽ và dễ dàng lắp đặt, được các chuyên gia đánh giá là một giải pháp tối ưu cho trục trước cột sống. T2 Altitude được chỉ định trong chấn thương cột sống và thay thân đốt sống các trường hợp: Chấn thương gãy thân đốt sống vùng lưng ngực; Mất vững - xẹp đốt sống do loãng xương; Nhiễm trùng lao thân đốt sống; U cột sống ngực, cột sống cổ, lưng…

PV

Loãng xương có nên tự uống canxi?

Lê Thị Minh (Bình Định)

Do sợ bị loãng xương nên rất nhiều người đã tự ý mua canxi về uống mà không biết rằng điều này rất nguy hiểm. Bởi loãng xương không chỉ đơn thuần do thiếu canxi, mà còn hàng loạt các nguyên nhân khác. Ở một số người thiếu vitamin D, thiếu protit, tăng hoạt động các tế bào hủy xương, hạn chế hấp thụ canxi ở ruột, bị các bệnh nội tiết, lạm dụng các thuốc kháng viêm nhóm corticoide. Vì thế nếu cơ thể thiếu vitamin D gây kém hấp thụ canxi thì việc cung cấp thêm canxi là không có tác dụng.

Bổ sung thực phẩm giàu can xi hàng ngày giúp phòng loãng xương.

Việc tự ý uống bổ sung canxi rất nguy hiểm. Khi cơ thể thừa canxi, tùy mức độ có thể xuất hiện các biến chứng như: ăn không ngon miệng, táo bón, buồn nôn, mệt mỏi, đau cơ, đau xương, mất nước (do tiểu nhiều), sỏi thận...

Vì vậy, để phòng bệnh loãng xương, cách tốt nhất cần có chế độ dinh dưỡng cân đối, ăn uống điều độ và vận động nhẹ hằng ngày, hạn chế uống cà phê, rượu, trà. Nếu bữa ăn hằng ngày đầy đủ các thực phẩm giàu canxi như: tôm, tép, ốc, cua, trứng, cá... các loại rau, củ, hạt (súp lơ xanh, cải xoăn, củ cải đường, rau xanh đậm, hạt đậu nành, đậu phộng, dầu mè, trái thơm, sữa...) thì ở người bình thường không sợ thiếu hụt canxi. Riêng đối với phụ nữ mang thai và cho con bú nhu cầu cao hơn là 1.000 - 1.200 mg, khi bổ sung canxi cần có hướng dẫn của nhân viên y tế. Do vậy, nếu chị nghi ngờ mình bị loãng xương cần đến cơ sở y tế chuyên khoa xương khớp để được khám và tư vấn. Khi đó bác sĩ sẽ cân nhắc việc bổ sung như thế nào cho hợp lý.

Bác sĩ Anh Thư

Nhiễm khuẩn bệnh viện

NKBV làm tăng tỉ lệ tử vong, làm chậm tiến triển của bệnh dẫn đến kéo dài thời gian nằm viện và tăng chi phí chăm sóc người bệnh.

Thế nào là NKBV?

NKBV là nhiễm khuẩn mắc phải trong thời gian nằm viện mà nhiễm khuẩn đó không có triệu chứng lâm sàng hoặc đang ủ bệnh tại thời điểm nằm viện. Nhiễm khuẩn (NK) xảy ra 48 đến 72 giờ và trong vòng 10 ngày sau khi bệnh nhân (BN) xuất viện được coi là NK mắc phải tại bệnh viện (trừ viêm dạ dày ruột do Norwalk virus thời gian ủ bệnh ngắn hơn 48 giờ, viêm gan siêu vi A lâu hơn 10 ngày).

Tỉ lệ NK trong một bệnh viện rất quan trọng, nó phản ánh công tác chuyên môn của một bệnh viện (khả năng chống NK, việc xây dựng, giám sát và thực hiện những qui trình chuẩn trong công việc hàng ngày…) và ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của cả người bệnh và nhân viên y tế. Tỉ lệ NKBV trên toàn thế giới khoảng từ 3,5 - 10% tổng số người bệnh nằm điều trị nội trú và ở bất cứ thời điểm nào cũng có khoảng 1,4 triệu người bị mắc NKBV.

Nhiễm khuẩn bệnh việnMôi trường bệnh viện đông đúc là nguy cơ gây NKBV. Ảnh: TM

Các yếu tố dẫn đến NKBV

Có rất nhiều yếu tố dẫn đến NKBV. Hàng đầu là do không khí trong môi trường BV bị NK. NKBV lây lan theo chất bẩn, hơi nước, hoặc các hạt bụi lơ lửng trong không khí. Gần đây người ta còn chú ý tới vai trò của các máy điều hòa nhiệt độ trong việc lây truyền vi khuẩn Legionella pneumophila gây viêm phổi. NKBV cũng có thể do thực hiện nhiều thủ thuật xâm nhập (tiêm truyền, phẫu thuật, thở máy, thủ thuật thai sản…); do dụng cụ y tế, thực phẩm, nguồn nước bị NK; do nhân viên y tế đặc biệt là tay nhân viên y tế trước và sau khi chăm sóc bệnh được xem là nguyên nhân quan trọng nhất trong việc phát tán vi khuẩn gây bệnh. NKBV có thể do sự lây lan từ BN này sang BN khác trong thời gian nằm viện. Đôi khi cũng có thể do những người nhà thăm nuôi BN vì họ có thể là những người đang NK, những người đang trong thời kỳ ủ bệnh hoặc là người lành mang khuẩn. Những người tham gia chăm sóc BN cũng góp phần vào việc lan truyền vi khuẩn từ BN này sang BN khác nếu không tuân thủ chặt chẽ các qui định về vệ sinh an toàn chống NK trong BV.

NKBV cũng có nguy cơ từ những khoa điều trị đặc biệt phải sử dụng nhiều loại kháng sinh dẫn đến sự tồn tại kéo dài hoặc phát sinh mới những chủng VK kháng thuốc. Điều nguy hiểm ở chỗ các đơn vị này không được thay đổi vị trí thường xuyên dẫn đến sự tồn tại các “ổ vi khuẩn” kháng thuốc trong bệnh viện.

Các loại nhiễm khuẩn thường gặp và chủng vi khuẩn gây bệnh

Hầu như tất cả các cơ quan của cơ thể đều có nguy cơ mắc NKBV tuy mức độ có khác nhau. NK huyết là rất thường gặp (gặp ở trẻ sơ sinh, người cao tuổi, suy giảm miễn dịch, người có các bệnh mạn tính như COPD, suy tim...). Tác nhân thường gặp là Staphylococcus aureus, Enterococci,... NK đường hô hấp, điển hình là viêm phổi (ở người lớn tuổi, những BN dùng máy thở, mổ lồng ngực, chấn thương ngực kín, tràn khí, tràn dịch màng phổi…). Tác nhân thường gặp là vi khuẩn Gram âm, trực khuẩn mủ xanh, acinetobacter B, tụ cầu vàng, nấm. NK tiết niệu (gặp ở người cao tuổi, phụ nữ, BN nặng tại các khoa HSTC phải đặt sonde tiết niệu, BN sau làm thủ thuật như nội soi, tán sỏi bàng quang, niệu quản, thận… ). Các vi khuẩn thường gặp: Gram (-), Gram (+), Candida sp, E.coli, trực khuẩn mủ xanh, Acinetobacter B… NK vết mổ là một NKBV rất thường gặp, đặc biệt là ở các BN được mổ cấp cứu (do điều kiện vô khuẩn không thể tốt như mổ có kế hoạch). Tác nhân chủ yếu là vi khuẩn Gram (-), Gram (+) chủ yếu là S.aureus, Enterococci và các vi khuẩn khác. NK thần kinh đặc biệt hay gặp ở khoa phẫu thuật sọ não (BN chấn thương sọ não hở), loại NK này rất nguy hiểm nếu nhiễm các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh. BN viêm não thất do trực khuẩn mủ xanh hoặc Acinetobacter gần như chắc chắn tử vong. Các NK đường tiêu hóa cũng thường gặp ở các BN nặng tại các khoa Hồi sức tích cực. Ở các đối tượng BN này thường có liệt ruột, tưới máu ruột kém, dùng các thuốc giảm tiết dịch vị (chống loét do stress) dẫn đến tăng xâm nhập của VK vào lớp niêm mạc đường tiêu hóa gây tổn thương. Thường gặp là viêm ruột do vi khuẩn kỵ khí, tụ cầu, các cầu khuẩn đường ruột, vi khuẩn gram âm. Các NK ngoài da, viêm tĩnh mạch do tiêm truyền không đảm bảo vô khuẩn, do lưu kim luồn lâu, do đặt catheter tĩnh mạch trung tâm cũng thường gặp và chiếm khoảng 2 - 15% các NKBV nói chung. Tác nhân hay gặp nhất là tụ cầu (25%). Loại NK này có thể gây viêm tắc tĩnh mạch dẫn đến tắc mạch phổi cấp. Các NK cơ, xương khớp cũng chiếm khoảng 3% tổng số các NKBV. Tác nhân viêm thường do tụ cầu. Vi khuẩn lan theo đường máu hoặc tại chỗ trong khi làm các thủ thuật xâm nhập như tiêm bắp, tiêm nội khớp… Viêm nội tâm mạc NK, mặc dù ít gặp nhưng rất khó điều trị nếu nhiễm các chủng vi khuẩn đa kháng. Vi khuẩn thường vào theo đường tĩnh mạch trong khi tiêm truyền hoặc vào theo các tĩnh mạch lớn trong khi làm thủ thuật: đặt catheter TMTT, đặt máy tạo nhịp, phẫu thuật tim, lồng ngực. Các NK sản khoa: thường do vi khuẩn gram âm. NK sản khoa rất thường gặp do can thiệp thủ thuật nhiều, vị trí dễ bị NK và khó chăm sóc. Vi khuẩn thường gặp là gram âm, nấm.

Dùng kháng sinh trong NKBV như thế nào?

Trước hết, phải tuân thủ nguyên tắc dùng kháng sinh: Không dùng kháng sinh tràn lan tùy tiện. Dùng kháng sinh tập trung vào các loại vi khuẩn hay gặp như trực khuẩn mủ xanh, tụ cầu vàng, vi khuẩn gram âm, nấm, kỵ khí. Dùng kháng sinh đủ liều, nên dùng kháng sinh đường tiêm truyền. Loại bỏ tác nhân NK và các yếu tố nguy cơ. Dùng theo kháng sinh đồ nếu kết quả nuôi cấy đáng tin cậy và phù hợp với bệnh cảnh lâm sàng.

Ts.BS. Vũ Đức Định